Văn hóa ẩm thực của các dân tộc Mông, Giáy, Dao đỏ là một trong những yếu tố giúp xã Tả Van, thị xã Sapa, tỉnh Lào Cai trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn so với các xã lân cận ở thị xã Sa Pa. Hệ thống canh tác chăn nuôi vịt và lúa truyền thống đã được nhiều người Mông, Giáy và Dao Đỏ thực hiện. Tuy nhiên, số lượng vịt được nuôi gần đây đã suy giảm đáng kể. Nguyên nhân là do giống lúa lai được trồng nhiều dẫn đến việc vịt không thể mót lúa ngoài đồng như trước, đồng thời, giống vịt lai được nuôi nhiều do thời gian nuôi ngắn hơn. Hiện nay chỉ có một số hộ nuôi giống vịt địa phương. Điều này dẫn đến mất thu nhập, khiến cuộc sống của người dân địa phương trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là người dân tộc thiểu số và người nghèo.
Vịt Tả Van là giống vịt được nuôi từ lâu đời, phân bố chủ yếu từ vùng núi Bắc Trung Bộ đến vùng trung du và miền núi phía Bắc. Đồng bào dân tộc thiểu số thường nuôi loại vịt này quanh các ao, hồ, suối. Vịt Tả Van và vịt ở một số vùng khác như Bắc Kạn, Thanh Hóa được xác định là cùng một loài có đặc điểm hình thái cũng như môi trường sống tương đồng. Loài vịt này là loài bản địa, có nguồn gen quý hiếm cần được bảo tồn và bảo vệ để phát triển bền vững.
Do được nuôi theo phương thức truyền thống, vịt chủ yếu tự kiếm ăn nên thịt vịt Tả Van thơm, ngon. Nhiều du khách đến với Tả Van đều thích thú khi thưởng thức món “vịt bản” này.